Khi nói về thứ gì đó trông hổ lốn, thập cẩm, đủ loại linh tinh, cái gì cũng có một ít… người Việt thường ví von thứ đó trông như “ tả pí lù” (hay “tả pín lù”, “tạp pí lù”). Vậy “tả pí lù” là thứ gì?
Nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ nếu biết về từ nguyên, “tả pí lù” là tên của một món ăn được phiên âm từ tiếng Quảng Đông, phiên âm Hán Việt là đả biên lô. Trong đó, “pí” hay “pín” là một loại nồi, còn “lù” là cái lò đun.“Tả pín lù” là một phương thức nấu ăn sử dụng một cái nồi đặt trên cái lò, thức ăn còn sống được để xung quanh và người ăn gắp đồ ăn sống bỏ vào nồi nước dùng, đợi chín tới và ăn nóng.
Nói nôm na đó là một loại lẩu nhúng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, phương thức nấu ăn này vốn bắt nguồn từ thói quen ăn uống ngoài trời của người Mông Cổ và các bộ tộc người sống ở phía Bắc Trung Hoa nhiều thế kỷ trước.Theo đó, vào mùa đông, các tộc người này lóc từng miếng thịt nhỏ ở các con vật khi săn bắt được, như dê, cừu hay bê, rồi nhúng vào những nồi nước sôi sục đặt trên lò lửa để ăn. Cách này vừa giúp thịt giữ được chất ngọt, vừa tiện lợi. Người Hoa tiếp thu món ăn này và đã biến đổi nó khá nhiều.
Khi ăn tả pí lù, người ta bày la liệt ra bàn những thứ dùng để nhúng. Và tên gọi món tả pí lù được dùng để ví với những thứ hổ lốn, hỗn tạp bắt nguồn từ đó.Khi cộng đồng Hoa kiều gốc Quảng Đông di cư sang Việt Nam nhiều thế kỷ trước, họ đã mang theo cách làm tả pí lù. Món này nhanh chóng được người Việt ưa chuộng, rồi theo thời gian cách ví von bằng từ “tả pí lù” trở nên thông dụng, dù nhiều người không hiểu nghĩa gốc của nó…